Quan hệ cổ đông

Báo cáo: Thúc đẩy vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc

18/09/2017 20:31
(Phân tích)

Những năm gần đây, lượng hàng vận chuyển giữa hai bên liên tục tăng với nhiều mặt hàng đa dạng. Thủ tục thông quan thương mại biên giới giữa hai nước đã được cải thiện đáng kể. Năm 2016, với nỗ lực chung của các ban ngành hữu quan, hai bên tái ký kết “Hiệp định thương mại biên giới Việt – Trung”, thúc đẩy thương mại biên giới hơn nữa.


1. Cơ sở pháp lý:

Theo Thông tư quy định về thủ tục cấp phép quá cảnh hàng hóa, vận chuyển hàng hóa quá cảnh theo quy định của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về quá cảnh hàng hóa ngày 9/4/1994, hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu không được phép quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp nêu trên, việc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chỉ được thực hiện sau khi có giấy phép của Bộ Công Thương.
Hàng hóa quá cảnh được thực hiện qua các cặp cửa khẩu: Lào Cai - Hà Khẩu; Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; Móng Cái - Đông Hưng; Đồng Đăng - Bằng Tường. Ngoài những cửa khẩu này, hàng hóa quá cảnh được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế được mở thêm theo thỏa thuận của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa. việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh của chủ hàng do người chuyên chở là thương nhân Việt Nam thực hiện theo quy định pháp luật. Trường hợp hàng hóa quá cảnh là phương tiện vận chuyển tự hành thì phương tiện vận chuyển đó phải có biển số đăng ký tạm thời do Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa cấp và có giấy chứng nhận về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do ngành Giao thông vận tải cấp trước khi được tự hành quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Riêng ô tô các loại chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống không được phép tự hành quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.
Chủ hàng hoặc người chuyên chở phải nộp, xuất trình cho cơ quan Hải quan Giấy phép quá cảnh được Bộ Công Thương cấp theo quy định tại Thông tư này, Hợp đồng vận chuyển hàng quá cảnh và các loại chứng từ theo quy định của pháp luật về hải quan. 
Hàng hóa quá cảnh được phép lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tối đa là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu, trừ trường hợp được gia hạn thời gian quá cảnh theo quy định.
Hàng hóa quá cảnh không được phép tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp đặc biệt, việc tiêu thụ hàng hóa quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam phải được phép của Bộ Công Thương.

2. Thực trạng:

Hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu biên giới cũng được đầu tư phát triển; thủ tục hành chính tại cửa khẩu biên giới cũng như dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới ngày càng được tăng cường. Hợp tác về giao thông vận tải giữa Việt Nam và Trung Quốc được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, nhiều hiệp định và thoả thuận hợp tác trong các lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy đã được hai bên ký kết, triển khai. Hai bên cũng đã tích cực phối hợp triển khai các dự án kết nối hạ tầng giao thông trong khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt - Trung; Các dự án kết nối tại khu vực biên giới giữa hai nước, cũng như việc hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc trên lãnh thổ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác hai nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu trao đổi hàng hoá, xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại và du lịch giữa hai bên.



Hiện vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc có 2 tuyến chính gồm Thẩm Quyến- Quảng Châu – Việt Nam – Thái Lan và Côn Minh – Lào Cai – Hải Phòng. Cơ sở hạ tầng hướng ra vùng biên giới ngày càng được hoàn thiện, tạo nền tảng vững chắc cho du lịch qua biên giới Trung – Việt. Đường quốc lộ cấp 2 Phòng Thành Cảng  - Động Trung dài 80 km đang được xây dựng, hoàn thành trong cuối năm 2017 sẽ cải thiện mạnh mẽ tình hình giao thông khu vực ven biên giới của Phòng Thành Cảng;  Công trình cải tạo nâng cấp cửa khẩu Động Trung (bao gồm cả điểm chợ biên giới Lý Hỏa) đã cơ bản hoàn thành, sẽ trở thành cửa khẩu cấp 1 quốc gia; Cầu Bắc Luân 2 và cơ sở thông quan như tòa nhà kiểm soát liên ngành sắp hoàn thành sẽ cải thiện mạnh mẽ điều kiện kinh tế cửa khẩu, du lịch biên giới của Phòng Thành Cảng và thành phố Đông Hưng – Móng Cái (Việt Nam). Tuy nhiên, nhìn chung chi phí vận chuyển vẫn còn cao. Theo thống kê của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, một đầu container chở 1 chuyến qua cửa khẩu từ VN sang Trung Quốc phải mất từ 350 -  450 USD, còn hàng chuyển tải thì lên đến 600 USD/container.

Hai tuyến đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc  là Yên Viên – Đồng Đăng và Yên Viên – Lào Cai. Tháng 6/2017, Trung Quốc bắt đầu khai trương đoàn tàu container Trung Á xuất phát từ Côn Minh đi Hà Khẩu, đến Sơn Yêu (Trung Quốc) sang Lào Cai, Yên Viên và cuối cùng là cảng Hải Phòng. Dù tổng quãng đường lên đến 862km, nhưng thời gian di chuyển chỉ 4 ngày, bao gồm cả thời gian làm thủ tục hải quan, giao nhận tại 2 ga biên giới. Theo số liệu của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 3 năm gần đây, hàng liên vận quốc tế Việt - Trung bằng đường sắt tăng mạnh. Chỉ tính riêng tuyến Hà Nội - Côn Minh (tuyến phía Tây qua cửa khẩu Lào Cai), nếu năm 2014 tổng lượng hàng xuất - nhập mới đạt khoảng 14 nghìn tấn; năm 2015 tăng gấp hàng chục lần lên mức 366 nghìn tấn; năm 2016 là 386 nghìn tấn. Với việc mở thêm đoàn tàu container và rút ngắn thời gian vận chuyển, dự kiến 2017 có thể tăng gấp đôi lên hơn 800 nghìn tấn. Theo số liệu của công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) năm 2016 tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt của đơn vị qua hai cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng đạt 692 nghìn tấn. Trong đó, khối lượng hàng xuất 160 nghìn tấn và hàng nhập 532 nghìn tấn. 6 tháng đầu năm 2017, con số này đã đạt 443 nghìn tấn, tăng 118% so với cùng kỳ.
 Một khó khăn là hiện nay do chưa được kết nối về khổ đường nên toa xe từ Việt Nam chạy khổ 1.000mm sang đến Trung Quốc phải sang toa để chạy khổ 1.435mm. Khi nối tuyến là phải hạ tải, sang toa tốn nhiều chi phí. Về lâu dài, khi lượng hàng tăng cao mà năng lực hạ tầng tới hạn sẽ rất khó khăn để tăng sản lượng vận chuyển. Tuy nhiên, bên phía Trung Quốc đã khai thông Đường sắt cao tốc Nam Ninh – Phòng Thành Cảng, thời gian lưu thông chỉ mất 01 tiếng đồng hồ; Đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng – Đông Hưng đã được khởi công trong năm 2017, đến năm 2020 sau khi hoàn thành, đi từ Phòng Thành Cảng đến Đông Hưng chỉ mất 15 phút. Bộ GTVT Việt Nam cũng đang khảo sát, lập dự án xây dựng đường lồng từ ga Lào Cai, qua cầu Hồ Kiều để kết nối với khổ đường 1.435mm đường ksắt Trung Quốc. Đồng thời, đang kêu gọi đầu tư giai đoạn 2 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai.  Những dự án này  cho thấy tiềm năng rất lớn trong việc vận chuyển giữa hai nước bằng đường sắt.. 

3. Giải pháp: 
- Hoàn thiện khung pháp lý: Hoàn thiện khung pháp lý cho vận chuyển hàng hóa từ các nước qua Việt Nam để đi các nước khác và ngược lại để đảm bảo niềm tin cho các bạn hàng. 
- Cải thiện cơ sở hạ tầng: Mở rộng kết nối hạ tầng logistics nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh- Nâng cao kiến thức và năng lực cạnh tranh cho các đơn vị vận chuyển của Việt Nam. Tăng cường đầu tư hạ tầng và công nghệ cho các hành lang vận tải trọng điểm: Phát triển kết cấu hạ tầng, kết hợp Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm.
 - Cải tiến các thủ tục thông quan hàng hóa và phương tiện tại cửa khẩu, áp dụng công nghệ thông tin trong thủ tục một cửa, một điểm dừng ở hầu hết các cửa khẩu chính. 
- Tăng cường công tác thông tin về hàng hóa và phương tiện qua lại biên giới nhằm giúp cho doanh nghiệp có đầy đủ thông tin kịp thời trong hoạt động logistics.

VITIC tổng hợp và phân tích
©Copyright 2017 Vimadeco. All rights reserved.